Từ khi bắt đầu viết blog, câu hỏi mà mình nhận được rất nhiều từ các bạn du học sinh và phụ huynh chính là làm thế nào để kiếm được việc làm ở Mỹ. Nếu bạn đã từng là du học sinh bạn sẽ biết đây là một trong những điều gian nan nhất mà hầu như ai cũng gặp phải. Là một du học sinh đã từng thành công trong việc tìm kiếm việc làm (internship, co-op, full-time) ở Mỹ, trong bài này mình sẽ chia sẻ một vài lí do tại sao việc tìm kiếm việc làm có vẻ khó hơn đối với các bạn du học sinh.
Lý do 1: Không đủ tự tin và sự quyết đoán khi tìm việc
Một trong những điều mà mình thấy xảy ra rất nhiều đối với các bạn du học sinh cũng như sinh viên bản xứ ở đây chính là sự tự ti vào bản thân của họ. Rất nhiều bạn chỉ đọc hết mục mô tả công việc (job description) hoặc mục điều kiện tối thiểu (minimum requirements) là đã từ bỏ ý định nộp đơn xin việc vì họ nghĩ mình không đủ trình độ.
Điều này là một suy nghĩ rất sai lầm vì những mục đó được các công ty viết ra chỉ để tìm một người ứng viên hoàn hảo (the perfect candidate) mà thôi. Đương nhiên họ hiểu là không ai sẽ có thể đáp ứng được 100% những yêu cầu của họ, và họ sẽ sẵn sàng xem xét những người thiếu kinh nghiệm/điều kiện hơn. Ví dụ điển hình ở đây chính là những công việc cho người mới ra trường nhưng đã đòi 1-2 năm kinh nghiệm. Bạn đừng nghĩ vì mình không có đủ số năm kinh nghiệm đó mà từ bỏ đơn nộp vì thật ra bạn có nhiều cơ hội hơn bạn nghĩ nhiều. Bản thân mình đã từng nộp đơn vào những vị trí có yêu cầu 10+ năm kinh nghiệm và đã được phỏng vấn với 1 vài chỗ như vậy. Công việc mới nhất của mình cũng yêu cầu 4+ năm kinh nghiệm trong khi mình chỉ có 2 năm!
Điều thứ 2, bạn đừng nên từ bỏ ý định nộp đơn chỉ vì sợ rằng công ty không tài trợ H1B hoặc thuê người có OPT. Trừ phi người ta có ghi rõ những điều đó trong mục mô tả công việc, bạn cứ nộp cho chắc! Cùng lắm đến khi bạn được công ty liên hệ phỏng vấn thì bạn hãy nói cho họ nghe.
Lý do 2: Không mạnh dạn khi giao tiếp/kết nối với người lạ
Một trong những điều tuyệt vời mà mình rất ngưỡng mộ về các bạn du học sinh chính là sự dũng cảm của họ khi đến với một quốc gia mới để học tập và sinh sống. Tuy nhiên, hầu như sự dũng cảm này chỉ dừng ở mức độ đó đối với rất nhiều bạn du học sinh.
Dựa vào sư quan sát của mình thì rất nhiều các bạn du học sinh sẽ chỉ quanh quẩn ở bên những người bạn cùng nước với họ mà không vươn ra để kết nối với những nhóm người khác. Việc này rất dễ hiểu vì làm vậy chắc chắn sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều so với việc giao tiếp với người nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc kết nối/giao tiếp (networking) với nhiều nhóm người khác nhau là điều tuyệt đối thiết yếu trong bất kỳ quá trình tìm kiếm việc làm nào.
Các bạn du học sinh nên tận dụng tất cả các cơ hội như hội chợ việc làm, họp mặt với cựu học sinh, vv để kiếm thêm được nhiều thông tin như email, điện thoại, LinkedIn của những người cùng chuyên ngành. Sau khi có những thông tin này thì các bạn nên mạnh dạn email hoặc message những người này để hỏi han xem họ có đang hoặc sắp cần mướn người hay không. Nếu bạn may mắn thì không chắc sẽ nhận được một vài đầu mối mới.
Ngoài ra, các bạn có thể lên thẳng LinkedIn và bắt đầu kết nối với thật nhiều người. Hầu như tất cả những người mà bạn xin kết nối sẽ không trả lời bạn, nhưng nếu họ chấp nhận kết nối thì bạn đã mở được 1 cánh cửa mới. Ví dụ: mình đã từng dùng cách này để làm quen và gặp mặt trao đổi với 1 vài kỹ sư làm ở Boeing và từ đó đến giờ vẫn còn giữ liên lạc với họ thường xuyên.