Bài viết này chủ yếu hướng đến các bạn có ý định ở lại làm việc và định cư ở Mỹ sau khi học xong. Những thông tin được viết ở đây đều là thu thập dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc do nghiên cứu các tài liệu trên mạng và giao tiếp với luật sư, nên các bạn đọc để tham khao thôi nhé. Cần gì thì gọi luật sư nói chuyện cho chắc chắn!
H1B visa còn được gọi là visa dành cho nghề nghiệp chuyên môn dành cho du học sinh với bằng đại học trở lên. Sau khi tốt nghiệp đại học (cao học), các bạn có thể làm OPT (1 năm hoặc 3 năm tùy theo ngành) và trong thời gian này, công ty có thể tài trợ visa H1B cho bạn để bạn có thể ở lại làm việc sau khi OPT đã hết. Một vài điều cần biết về loại visa này là như sau:
- Bắt buộc phải có công ty tài trợ mới có thể bắt đầu quá trình xin visa – Bạn không thể tự xin được.
- Mỗi người chỉ có 1 cơ hội xin visa 1 năm – Nếu làm OPT 3 năm thì sẽ được 3 cơ hội.
- Hiện tại, mỗi năm có nhà nước Mỹ sẽ cấp 65,000 visa cho bậc đại học và cao học; cộng thêm 20,000 visa dành riêng cho bậc cao học. Ví dụ: Nếu bạn chỉ có bằng đại học, bạn sẽ có thể được nhận 1 trong 65,000 visa đầu tiên và không được đưa vào danh sách cho 20,000 cái visa tiếp theo. Tuy nhiên, nếu bạn có bằng cao học và không dành được 1 trong 65,000 cái visa đầu tiên, bạn sẽ được đi tiếp vào vòng tiếp theo để có cơ hội được 1 trong 20,000 cái visa còn lại. Đây chính là lí do vì sao nhiều người nói “Học càng cao càng dễ ở lại.”
- Chương trình cấp H1B visa là 1 chương trình quay sổ số. Bạn có giỏi cỡ nào cũng không chắc chắn có được visa. Thiếu gì người giỏi mà không kiếm được H1B cũng phải rời khỏi Mỹ đấy thôi. Năm 2016, số lượng đơn nộp xin H1B là 236,000 đơn. Nếu bạn chỉ có bằng đại học thì cơ hội có được visa của bạn chỉ là: 65,000/236,000 = 27.5% mà thôi.
- H1B visa có thời hạn 3 năm và có thể được gia hạn lên đến 6 năm. Trong khoảng thời gian này, công ty của bạn có thể tài trợ thẻ xanh cho bạn (EB visa), nếu không thì sau 6 năm bạn sẽ phải rời khỏi Mỹ.
- Khi tìm việc làm, công ty sẽ hỏi “Do you now, or will you in the future, require sponsorship?” và bạn chắc chắn sẽ phải trả lời “Yes” nếu còn là du học sinh. Không nên khai dối vì sẽ rất mất thời gian cho cả 2 phía.
Chủ đề này rất phức tạp nên các bạn nên tìm hiểu rõ ràng để lúc định hướng đi du học không bị hụt hẫng. Đọc xong bài này nếu gặp các cô các chú nào bảo cứ giỏi là sẽ ở lại được thì mong bạn sẽ giải thích cho họ để họ hiểu. Nếu bạn cần thêm tư vấn về vấn đề này, vui lòng để lại comment hoặc email cho mình.
Xin vui lòng liên lạc với mình trước khi share bài và kèm theo link của blog.
Nice post, Skye!
Bài này hay quá. Cám ơn em đã chia sẻ kinh nghiệm.